Năm 1980, tôi không đủ điểm chuẩn vào ngôi trường nổi tiếng của thành phố. Tôi dư sức học một trường khác gần nhà, thuận đường nhưng tôi cứ khao khát được bước chân vào ngôi trường ấy. Đó là điều không thể vì tôi thiếu những hai điểm rưỡi, lại không thuộc diện ưu tiên. Ba tôi thấy con buồn nên cũng nẫu ruột, gặp ai cũng than thở. May sao hôm đó gặp chú Hai Binh, chú tuy không có việc làm ổn định nhưng quen biết nhiều, giao tiếp rộng nên chuyện gì cũng có thể hứa giúp. Và rồi một ngày tôi thấy mẹ dấm dúi bán đôi bông mù u để dành mấy mươi năm, đưa cho ba tôi cái phong bì nho nhỏ để ba dẫn tôi gặp thầy hiệu trưởng. Và tôi được nhận vào học thật, dẫu thiếu đến hai điểm rưỡi.
Nhiều năm trôi qua, tôi muốn biết ba đã mua hai điểm rưỡi ấy của tôi bao nhiêu tiền nhưng ba bảo con nít chỉ cần lo học là đủ, không phải quan tâm đến chuyện tiền bạc làm gì. Tôi cứ phân vân không biết trong phong bì thường người ta bỏ bao nhiêu tiền mà mọi chuyện lại êm xuôi như thuyền trôi theo dòng nước.
Năm 1989, tôi tốt nghiệp đại học và đi làm tại công ty C. Lần đầu tiên tôi đã nhận được cái phong bì. Họ giấu trong tập hồ sơ, vừa đủ kín để người ngoài không thấy nhưng vẫn hở hở để tôi nhận ra. Tôi toát mồ hôi vì sợ, đẩy vội cả xấp hồ sơ trả ra ngoài, miệng run rẩy lắp bắp bảo:
- Tôi không dám nhận đâu, bác xem lại hồ sơ đi.
Người đó rất ngạc nhiên, lấy lại phong bì và tôi vẫn giải quyết hồ sơ cho họ một cách nhanh chóng. Thật tình là tôi cũng không biết trong đó có bao nhiêu tiền mà chỉ hết sức lo lắng vì sợ bị bắt quả tang về tội tham nhũng. Sau đó ít lâu, tôi lại được gửi những phong bì như thế. Tôi vẫn tiếp tục từ chối, nhưng chị bạn làm cùng bảo:
- Người ta cho thì em cứ nhận. Mình giúp việc cho họ nhanh, họ có tiền bồi dưỡng cho mình là hợp lý. Mình đâu có bắt ép họ đâu mà sợ tội.
Từ ngày nghe chị nói, tự nhiên tôi tò mò không biết họ để trong đó bao nhiêu tiền. Rồi có một lần tôi mở hé hé ra xem, toàn giấy bạc lớn. Tự nhiên khi biết số tiền lẽ ra mình có nhưng đã trả lại, tôi lại thấy tiếc tiếc. Giá như có nó, tôi sẽ sắm những bộ váy áo đắt tiền, mua mỹ phẩm... Lấy của họ có ít tiền cho họ vui vẻ mà mình thì được lợi, tốt quá chứ sao.
Từ ngày chịu nhận phong bì, tôi thấy cuộc sống thư thả hơn vì được cải thiện. Nhưng rồi nhu cầu ngày một tăng. Từ chiếc xe đạp tôi đã mong có chiếc xe Cub, lên Dream, rồi Spacy. Từ chiếc quạt máy đã lên máy lạnh... Nhưng nếu cứ làm việc bình thường thì lấy ai cho phong bì. Tôi phải làm khó họ, nhũng nhiễu họ. Công việc của tôi chỉ là một nhân viên tổ chức bình thường nhưng không thiếu thủ đoạn để vòi vĩnh. Công nhân tuyển mới dẫu đủ hồ sơ tôi vẫn làm khó, chê họ viết lý lịch không rõ ràng, bắt về làm lại. Hồ sơ trả tới trả lui vài ba lần thì cũng mất cả tháng, tôi lại bảo hết hạn giấy khám sức khỏe... Thế là họ thấy khó khăn, nản chí, gửi gắm dấm dúi tôi cái phong bì để hồ sơ đi trót lọt hơn.
Rồi thì những người làm thủ tục hưu trí. Ngày xưa Đảng gọi, người ta vác balô lên đường ngay, đâu cần ai xác nhận gì, bây giờ muốn tính thời gian công tác để nghỉ hưu tôi lại đòi phải có giấy tờ để xác minh. Việc cũ năm xưa xa xôi quá rồi, kẻ mất người còn lưu lạc không biết nơi đâu, muốn xác nhận rõ ràng đâu có dễ dàng gì... Dẫu rằng chế độ chính sách có những qui định cụ thể để xử lý những trường hợp đó nhưng tôi lờ đi, không hướng dẫn cho người ta. Thế là người ta lại phải phong bì cho tôi... số tiền tôi được bồi dưỡng tỉ lệ thuận với những lần tôi bị chửi. Nhưng đã trót theo lao, tôi như miễn nhiễm trước ánh mắt thù ghét của họ. Lòng tham vốn là cái túi không đáy, tôi tiếp tục dấn sâu vào con đường tha hóa kiểu "ai sao mình vậy".
Việc tham nhũng bị lộ. Cái giá phải trả quá đắt, mất danh dự, tiền bạc và bị sa thải. Tôi cam phận sống cho qua hết tháng ngày. Thế rồi mới đây, một hôm tự dưng con tôi tặng cho tôi một chiếc máy nghe nhạc. Con tôi chỉ mới tốt nghiệp đại học, đang làm việc tập sự tại một cơ quan hành chính, lương chẳng có bao nhiêu. Tôi hỏi tiền đâu ra, nó nói giúp người ta thì người ta tặng lại. Tôi thảng thốt bảo:
- Con ơi, từ chỗ nhận cái người ta tự nguyện đến chỗ ép người ta phải cho để mình nhận chẳng bao xa đâu con ạ. Hãy dừng lại đi con.
Cái phong bì quá mỏng nên ranh giới vượt qua nó cũng quá mong manh. Mong sao con tôi biết dừng chân trước khi quá muộn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét