Thứ Hai, 27 tháng 8, 2007

Chuyện của ngày Rằm tháng 7

Mấy ngày nay, đôi lúc trời Hà Nội kéo giông nhưng những cơn mưa chớp nhoáng vài phút chỉ làm cho không khí thêm oi ả. Mưa cứ lất pha lất phất, rập rà rập rình làm lỡ việc của không biết bao người nhưng chính những cơn mưa ấy lại là nguồn cảm hứng đưa tôi về cả vùng trời thơ ấu. Cũng vào một ngày mưa thế này năm nào tôi cuống quít đội mưa đạp xe từ lớp học thêm về nhà để giúp bà và mẹ chuẩn bị mâm cúng chúng sinh.

Tôi thích nhất là được ngồi xếp từng bộ quần áo giấy nhỏ xíu đủ mầu. Những lúc ấy trong tôi luôn tâm niệm phải làm thật cẩn thận vì cả năm chúng sinh chỉ nhận được một bộ mà thôi. Có những lúc bộ mã làm bị thiếu cái áo hay cái quần là tôi cùng chị gái lại lấy giấy, bút dạ và kéo thiết kế bộ mã thật hợp thời trang. Nghĩ lại mới thấy niềm tin của một đứa trẻ đáng yêu biết mấy.

Trong tiết trời hơi lành lạnh vì gió mưa, nồi cháo hoa bốc khói nghi ngút làm không gian như ấm áp hơn. Bà tôi múc từng muôi cháo nhỏ ra những cái bát xinh xinh, vừa múc bà vừa xuýt xoa thổi thổi. Bất giác lúc ấy mắt bà tôi bỗng ánh lên niềm thành tâm lớn lao. Mẹ tôi bận rộn sắp xếp mâm cúng với hàng chục bộ mã chúng sinh, bỏng bốp, hoa quả, ngô khoai, tiền xu bằng thiếc, ngoài cùng là những chén cháo hoa, cốc gạo cắm hương, mấy chén rượu, tí muối, gạo...Chỉ có bấy nhiêu thứ thôi mà mâm cúng chúng sinh của nhà nào trông cũng rực rỡ, đầy đặn và ấm áp tình người.

Trong lúc chờ hương tàn, bà tôi thường kể cho mấy mẹ con nghe sự tích ngày rằm tháng 7.

Người Bắc chúng ta vẫn quen gọi ngày rằm tháng 7 là ngày “xá tội vong nhân” cúng các chúng sinh không nhà không cửa. Các chùa lớn vào ngày này thường mở khoá lễ phá ngục cho chúng sinh và tổ chức đại lễ Vu Lan. Ở miền Nam, rằm tháng 7 thường gọi là tết Vu Lan, ngày để con cái báo hiếu cha mẹ. Sự tích của ngày cúng rằm tháng 7 cũng bắt nguồn từ Phật giáo. Theo đó, Mục Liên không phải tên thật mà chỉ là hiệu. Tên thật của Mục Liên là La Bộc.

Chuyện xưa kể rằng... La Bộc là con ông Phổ Tướng và bà Thanh Đề. Vì gia đình túng thiếu, La Bộc phải đi buôn bán ở tỉnh Kiên Liên. Khi đã giàu có, La Bộc nhớ tới mẹ già liền cho người về quê biếu tiền mẹ. Bà mẹ ăn xài hết nhẵn số tiền đó rồi, lại sai người giết chó làm nhân bánh biếu sư. Đến lúc La Bộc về thì bà mẹ lại chối và nói rằng bao nhiêu tiền con gửi về cho đã đem cúng cả vào đền chùa miếu vũ rồi. Chẳng bao lâu bà mẹ chết.

Chịu tang mẹ 3 năm, La Bộc đi qua nước Ki Đô là nơi Phật ở, La Bộc xin ở lại tu luyện. Phật thương tình ưng thuận, sai thầy Kha Na cắt tóc ông và đặt tên là Đại Mục Khiên Liên( Mục Liên) và cho vào tu ở chùa Lã Bí trong rừng Quýt Sơn. Muốn đến rừng Quýt Sơn phải đi qua ngôi chùa Thiên Giai là nơi có những âm hồn nghe kinh. Mục Liên chỉ nhận ra người cha là Phổ Tướng còn mẹ là Thanh Đề thì không. Mục Liên ôm mặt khóc, Phật hiện lên bảo cho biết là Thanh Đề vì khi sống điêu ngoa gian ác nên bị đầy xuống ngục A Tỳ rồi. Mục Liên nghe vậy liền lặn lội xuống ngục A Tỳ tìm mẹ. Nơi đây bà mẹ Mục Liên phải chịu trăm ngàn cực hình, thấy con tới bà khóc lóc nhờ con tìm cách cứu. Mục Liên thấy mẹ bị như vậy liền lấy bình bát, đem cơm dâng mẹ. Mẹ ngài được cơm nhưng chưa vào miệng cơm đã hoà ra than lửa đỏ hồng.

Tôn giả Mục Liên thấy mẹ như thế gào khóc bi thảm, về bạch Đức Phật. Phật dạy phải nhờ tới uy lực mười phương Chúng Tăng, cách cứu độ để những bà mẹ hiện đang đau khổ đều được giải thoát. Ngày rằm tháng 7 là ngày tự thứ của mười phương Tăng, tất thảy đều tư bi, ứng thọ. Ai được cúng đường Thánh Tăng thì tất cả đều vượt ác đạo, ứng niệm giải thoát. Cũng thế chiếc chậu Vu Lan đựng những tu lực chứng tâm hậu nhất của những đệ tử Đức Phật có thể chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành của con người. Mục Liên làm đúng lời Phật dạy, quả nhân mẹ ông được giải thoát. Mục Liên theo mẹ bay lên trời cầu xin Đức Phật xoá tội cho bảy đời họ hàng nhà mình.

Cũng xuất phát từ tư tưởng “nhân- hiếu- trung- tín” của Nho giáo và Đạo giáo bên Trung Quốc, ngày rằm tháng 7 còn gọi là tết Trung Nguyên có tục tế lễ tổ tiên. Đạo giáo còn cho rằng Trung Nguyên một trong ba “nhật kỳ” của tam cung thần cai quản họa phúc của con người chính là ngày Địa cung xá tội. Theo tín ngưỡng dân gian thì ngày này ở âm phủ khảo chiếu sổ sách để đại xá cho các linh hồn ma quỷ cô đơn ngoài đồng nội. Vì vậy ngày này cùng với cúng tổ tiên nhân dân còn nấu cháo hoa, bỏng ngô, tiền giấy cúng chúng sinh mong họ siêu thoát cũng để tích công đức cho bản thân.

Dựa vào tích ấy, vào ngày rằm tháng 7, các chùa đều làm lễ chay chạy đàn, phá ngục cho các tội nhân. Nhà nhà cũng theo đó thành kính làm lễ vì tin rằng ngày đó dưới âm vong nhân xá tội cho những người quá cố. Noi gương hiếu thuận của Mục Liên, ngày rằm tháng 7 trở thành ngày tết Vu Lan, con cái báo ân cha mẹ.

Những ngày rằm tháng 7 ở Hà Nội có cái gì rất khó quên. Không như ở miền Nam ngày rằm mà trời cứ nắng chói chang, không giống ngày Vu Lan ở Huế, mưa rơi tí tách hoà với tiếng hát réo rắt trên dòng Hương Giang. Lẽ đặc trưng rằm tháng 7 ở Hà Nội là hình ảnh những người phụ nữ đảm đang sắm sửa lễ lạt. Trong tiết trời ảm đạm, lất phất mưa, nhìn các chị đi chợ, sắm lễ, khéo léo chọn lựa, bày biện mâm cúng và xuýt xoa vái lạy thành kính chẳng ai có thể không tin vào chuyện ngày này các cô hồn vất vưởng sẽ được ăn, nhận áo quần. Cúng hết ở đền chùa, gốc cây, ụ đất, họ về làm cơm cúng tổ tiên, cha mẹ, rồi lại kể sự tích ngày Vu Lan cho chồng con. Chính những người phụ nữ đảm đang đã duy trì và làm đẹp thêm một phong tục thờ cúng mang đậm chất nhân văn của dân tộc.

Ngày rằm tháng 7 năm nào cũng vậy, dường như chẳng có gì thay đổi, trời đổ mưa, những mâm cúng chúng sinh vẫn những đồ ăn thức uống ấy, vẫn những câu chuyện kể sự tích năm xưa nhưng thắp hương xong, cả nhà tôi bỗng lặng yên nhưng... bà tôi đã không còn để cùng mẹ con tôi cúng rằm tháng 7!

Không có nhận xét nào: