Thứ Năm, 23 tháng 8, 2007

Đau

Là một nữ hộ sinh tôi chứng kiến rất nhiều ca đau đẻ. Với lý thuyết học ở giảng đường, tôi được dạy rằng đẻ thì phải đau, phải chịu đựng những cơn gò thúc liên tục mới sinh được đứa con ra đời. Nhưng những bệnh nhân của tôi đâu biết được điều đó. Cứ vào đến trạm là họ kêu gào thảm thiết, chửi chồng sa sả khiến nữ hộ sinh chúng tôi không thể tập trung cho công việc.

Sản phụ ngày mỗi đông, thời gian dành cho mỗi người ngày một ít. Vì thế nên dù biết rằng khi thăm khám cho bệnh nhân, phải hướng dẫn họ thả lỏng các cơ, thở đều rồi mới khám nhưng tôi làm gì có thời gian chờ họ bớt sợ, bớt đau, rồi thở với hít. Có người còn nhõng nhẽo gào thét cả buổi chẳng lẽ tôi phải đợi hoài hay sao. Thế là tôi chẳng cần biết họ có đau hay không, cứ thúc tay vào. Bệnh nhân càng sợ, càng gồng mình thì lại càng thêm đau và rất khó khám. Những lúc đó tôi rất bực mình, thậm chí còn mắng họ.

Tôi còn trẻ còn mắng ít, chứ nghe nói những cô mụ ngày xưa mắng nặng nề hơn nhiều. Có nhiều người khóc tức tưởi ngay trên bàn sinh khiến tôi nổi cáu, cứ la mắng hoài. Muốn đẻ thì phải chịu đau, không đau làm sao đẻ được. Muốn làm mẹ thì phải hi sinh, chịu khó một chút. Chừng thấy đứa con khỏe mạnh khóc oe oe thì mọi nỗi đau sẽ tan biến ngay thôi. Nguyên lý đơn giản thế mà cũng không biết.

Thế rồi tôi lập gia đình và mang thai. Tôi ốm nghén đến nỗi không ăn được hột cơm nào, sữa uống vô ói ra. Mặc dù chồng tôi dỗ dành khuyên can hết sức nhưng tình trạng chẳng cải thiện được bao nhiêu. Thấy số cân nặng của mình mỗi ngày một giảm thay vì phải tăng, tôi đâm lo lắng. Thế mà trước đây tôi đã mắng rất nhiều sản phụ là không biết chăm sóc cho mình, cho con. Tôi bảo làm mẹ thì phải có trách nhiệm lo cho đứa con từ trong bụng mình chứ. Đó là vì tôi nói từ lý thuyết nói ra, tôi làm sao biết được cái cảm giác xây xẩm mặt mày, đầu óc choáng váng như say sóng, cơn trào ngược từ dạ dày dồn lên làm run rẩy tay chân…

Rồi những khó chịu của thời kỳ đầu mang thai cũng qua, tôi phải đối diện với một ca sinh khó của chính mình vì xương chậu hẹp, phải lên thành phố sinh mổ. Nhìn những đồng nghiệp của tôi đang lăng xăng bên các bệnh nhân, tự nhiên tôi lại thấy run. Tôi biết muốn sinh là phải đau nhưng sao bây giờ tôi sợ đau quá. Khi bác sĩ thăm khám, tôi cố thả lỏng, thở đều như đã hướng dẫn cho bao nhiêu người, nhưng khi cảm giác nhói đau lan tỏa đến từng đầu dây thần kinh, tôi quên hết mọi thứ. Tôi co mình, gồng cứng khiến tay của bác sĩ không thể đưa vào sâu được. Chị ấy ôn tồn khuyên tôi bớt sợ, hít thở … nhưng tôi không làm sao kiểm soát được phản xạ tự nhiên của cơ thể mình. Thế mà trước kia tôi đã mắng chửi người khác biết bao nhiêu.

Rồi tôi mê đi. Khi mở mắt đã thấy mình nằm bất động trên băng ca, vết mổ dưới bụng đau tưng tức. Khi người ta đưa em bé cho tôi, tôi thật sự rất hạnh phúc. Nhưng niềm vui đó chẳng thể nào khỏa lấp những cơn đau âm ỉ từ một vết mổ chưa lành. Thế mà bác sĩ bắt tôi phải ráng ngồi dậy cho bé bú, ráng tập đi lại sớm để không bị dính ruột… Tôi không nhấc nổi chân mình lên lấy gì ngồi mà cho con bú. Tôi bảo người nhà đặt bé nằm bên cạnh để cho bú.

Cô hộ lý trông thấy mắng ngay: “Sinh một đứa con khó khăn biết bao nhiêu. Vậy mà không chịu ngồi dậy cho con bú. Bé còn nhỏ quá cho bú nằm nó sặc vô phổi chết làm sao, còn không thì cũng bị viêm tai, bại não...”. Những câu ấy tôi đã thuộc nằm lòng, vì đã từng nói mỗi ngày với bao nhiêu người rồi … Nhưng nói với người ta thì dễ, tự làm cho bản thân mình mới khó. Ngày đầu tiên sau mổ, tôi phải nhờ người nhà dìu để tập đi. Mỗi một bước đi là mỗi một lần vết mổ nhói đau, tôi phải ráng gồng người lại. Những bước đi chập chững đầu tiên khiến tôi cảm nhận đầy đủ cảm giác của một sản phụ.

Niềm hạnh phúc đan xen với bao nỗi lo âu về một trách nhiệm mới, những đau đớn về thể xác sau một cuộc sinh nở đầy vất vả vừa mới qua và còn bao nhiêu khó khăn trong việc chăm sóc đứa bé còn đỏ hỏn. Điều đó chỉ những ai trải qua sinh nở mới thấu, chứ một nữ hộ sinh nhiều kinh nghiệm cũng không thể nào hiểu nổi. Khi đi làm trở lại, tôi đã biết mình phải cư xử ra sao với những sản phụ của mình.

Không có nhận xét nào: