Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

Một tuần ở Malaysia

Không có những ưu thế về tài nguyên, đất nước lại đa sắc tộc, nhưng những giá trị kiến trúc, văn hóa và lịch sử của Malaysia được kết tinh nên bởi trí tuệ, nghị lực và bản lĩnh của cả một dân tộc, cùng với chính sách phát triển hợp quy luật và thực tiễn. Một khách du lịch đến thăm Malaysia, chỉ với cái nhìn còn sơ lược, lướt qua, có thể đem đến cho bạn đọc Thư Hà Nội chút cảm xúc cùng suy ngẫm thú vị khi nghĩ về ngành du lịch ở ta thời hội nhập.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Một tuần thăm đất nước Malaysia đã cho tôi nhiều “sàng khôn” bổ ích và lý thú.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn một giờ bay, chúng tôi đặt chân lên sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ngay tại sân bay, và sau này ở khắp nơi, khách sạn, các địa điểm du lịch, nhà hàng… khách tha hồ lựa chọn và đút túi cả lô những tờ rơi, bưu ảnh, bản đồ… giới thiệu đầy đủ, chi tiết và sinh động về đất nước Malaysia. Nhìn cách tiếp thị đơn giản nhưng hiệu quả đó, tôi chợt nhớ đến những sân bay còn "nghèo" thông tin du lịch và văn hóa ở nước ta. Ngoài một vài quầy hàng hóa, sơn mài, mỹ nghệ giá cao, ít có sự quảng bá cho hình ảnh đất nước.

Với Malaysia, cảm nhận đầu tiên của tôi là màu xanh ngút mắt trải dài đến vô tận. Như khắp đất nước này chỉ là những rừng cây, thảm cỏ và những công viên rực rỡ các loài hoa. Nhiều nhất là hoa dâm bụt, biểu tượng của Malaysia và hoa giấy. Ở Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều loài hoa, rất nhiều rừng. Nhưng đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa có biểu tượng "Quốc hoa", còn những khu rừng cứ biến mất nhanh chóng. "Ở Malaysia không được phép làm vậy" - Linh, cô hướng dẫn viên dễ thương người Hoa cho biết. Mọi hành vi chặt cây, hái hoa… đều bị coi là phạm luật và bị xử phạt rất nặng (đến 50 USD).

Dù là cây trong vườn nhà, người dân muốn chặt cũng phải xin phép. Nhờ cách quản lý chặt chẽ và công bằng của pháp luật, ngay trên các tuyến phố hiện đại trong lòng thủ đô Kuala Lumpur, vẫn nguyên vẹn những cánh rừng nhỏ xinh, với nhiều loài cây cổ thụ và hoa dại… tạo nên một không gian trong lành. Những cánh rừng nhỏ ấy làm giảm hẳn sự ồn ào và ô nhiễm tất yếu của khói bụi đô thị.

Malaysia còn là đất nước của cọ dầu. Với hơn bốn triệu hecta, chiếm gần 15% diện tích, Malaysia là nước xuất khẩu cọ dầu lớn nhất thế giới. Dọc theo các con đường cao tốc, những rừng cọ dầu bạt ngàn, xanh thẳm.

Linh cho biết, loài cây này hết sức kinh tế: Trồng một lần, sau ba năm có trái và có thể khai thác trong 125 năm. Tôi chợt nhớ và tiếc hùi hụi ba hecta cọ dầu trồng thực nghiệm xanh tốt đang cho quả ở vùng Sông Lô dạo ấy. Giờ đây, chúng chỉ còn là kỷ niệm và một kết luận là vùng đất Khánh Hòa hoàn toàn thích hợp trồng cây cọ dầu.

Là thủ đô của một quốc gia đa dân tộc, Kuala Lumpur như một sự kết hợp các hình thái kiến trúc đa dạng, đa sắc màu, đa phong cách nhưng vẫn là một khối liên kết hài hòa đến kinh ngạc. Không có sự lạc lõng hay độ chênh nào khi những tòa nhà cao ngất đứng cạnh Cung điện của Đức vua Abdul Samabde được xây dựng từ năm 1897 (nay là Tòa án tối cao).

Thật kỳ lạ, dù trải bao mưa nắng và thời gian, những viên gạch thô trên tường của tòa lâu đài vẫn không hề có vết tích rêu phong hay xuống cấp, vẫn đẹp đài các và kiêu sa, tựa hồ như mới vừa được xây dựng. Thế mới hiểu, người Malaysia rất biết gìn giữ và bảo quản các giá trị kiến trúc, văn hóa và lịch sử. Tôi chợt nhớ lại những đám rong rêu bám đầy trên những viên gạch và những bức tường thành lở lói trong Đại nội của cố đô Huế. Liệu mai này, con cháu chúng ta có còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp bí ẩn của lăng tẩm các vị vua Việt Nam?

Đài tưởng niệm Quốc gia cũng là một công viên râm mát những hàng cây xanh mướt và khu vườn đủ loài hoa đang đua nhau khoe sắc. Tượng đài chiến sĩ bằng đồng, được xây dựng năm 1966, biểu tượng cho tinh thần chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của những người con ưu tú đất nước Malaysia.

Trải qua bao mưa nắng, chất liệu đồng vẫn ánh lên, bóng loáng dưới nắng. Tôi lại lần nữa chợt chạnh lòng khi liên tưởng đến bức tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ mà báo chí nói mới đây. Nhà nước đã bỏ ra 40 tỉ đồng (tiền dân đóng góp), vậy mà mới hơn ba năm, tượng đài đã bị nứt, lún, rỉ. Hóa ra, hơn 30% đồng bị rút ruột và một phần không nhỏ kinh phí đã vào túi những kẻ bất lương.

Động Batu cách Thủ đô Kuala Lumpur 13km, được coi là điểm đến không thể thiếu của khách du lịch. Phát hiện cách đây hơn 100 năm, những người Ấn Độ đã xây dựng Batu thành trung tâm tôn giáo của đạo Hindu, nơi tổ chức lễ hội và các cuộc hành hương của người Ấn Độ. Nếu so sánh về qui mô và vẻ đẹp thì Batu kém xa động Phong Nha, hang Đầu Gỗ hay động Tam Cốc của chúng ta. Động nhỏ, tối và ẩm ướt. Không được thiên nhiên ưu đãi, người Ấn Độ dùng bàn tay và khối óc của mình xây dựng, để Batu trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Bàn tay tài hoa của những nhà điêu khắc Ấn đã tạo nên một bảo tàng điêu khắc với hàng trăm bức tượng tuyệt đẹp, mô tả các huyền thoại, sự tích trong đạo giáo. Với sự tưởng tượng phong phú, các nữ thần Hindu xuất hiện trong các gương mặt và tư thế khác nhau, cực kỳ đa dạng, cực kỳ sinh động.

Tôi bỗng nhớ đến những hang động tuyệt vời của chúng ta ở Phong Nha, Tam Cốc… Có cách nào không để những danh thắng nổi tiếng ấy không chỉ đẹp vì vẻ đẹp Thượng Đế, thiên nhiên ban tặng, mà còn đẹp hơn nữa, kỳ thú hơn nữa bởi bàn tay tài hoa của con người, trở thành những điểm du lịch quyến rũ không chỉ khách trong nước mà còn cả nước ngoài. Các hang động tuyệt đẹp ấy, qua bao năm tháng vẫn chỉ có những khối thạch nhũ, những khối đá nhiều hình thù…

Một điểm đến của cuộc hành trình là cao nguyên Genting. Con đường cao tốc hai chiều, mỗi bên có từ ba đến bốn làn xe chạy, phẳng lỳ, uốn lượn như một dải lụa mịn màng, len lỏi giữa đồi núi trập trùng và những cánh rừng nguyên sinh xanh thẳm. 30 năm trước, Genting là một vùng núi đá địa hình khắc nghiệt, heo hút và khô cằn. Tháng 8/1965, Tan Sri Lim, một người Malaysia gốc Trung Quốc đã dành thời gian, tiền bạc và công sức để xây dựng một “Khu nghỉ mát trong mơ”.

Giờ đây, Genting đã trở thành một “thành phố giải trí”, một khu nghỉ mát nổi tiếng thế giới và một sòng bạc hiện đại. Với 450 bàn và khoảng 5.000 máy đánh bạc, Genting Highlands được xem là casino lớn thứ ba thế giới sau Foxwoods và Mohegan Sun của Mỹ. Hàng năm, có khoảng 17 triệu người, đa số là từ các nước láng giềng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… đến thử vận may, số tiền thu được tại nơi này lên đến nhiều tỉ USD.

Ngược lại với Kuala Lumpur hiện đại và sầm uất, thành phố Malacca, cái nôi văn hóa cổ của Malaysia nhỏ bé và yên tĩnh. Chúng tôi đứng bên những bức tường loang lổ của pháo đài A’ Famosa được xây dựng từ thế kỷ XVII, ngắm đọan thành còn sót lại của người Tây Ban Nha, trống rỗng và hoang phế, hỏi nhau: Thật kỳ lạ là chỉ có vậy mà vì sao hàng năm, Malacca vẫn lôi kéo hàng triệu khách du lịch? Càng day dứt hơn, vì sao Việt Nam có cả di sản văn hóa thế giới và vô số cảnh đẹp, vẫn không thu hút được nhiều khách du lịch như Malaysia? Vì sao lượng khách quốc tế quay lại Malaysia là hơn 40% trong khi 90% khách đến Việt Nam không có ý định quay trở lại?

Một điều đáng suy ngẫm nữa trong những ngày ở Malaysia, dù trên những con phố dày đặc xe cộ hay trên nhiều con đường cao tốc, rừng cọ bạt ngàn và những thảm cỏ xanh mướt, dù không hề có bóng bất cứ một cảnh sát giao thông nào, nhưng các đường phố của Malaysia không hề có cảnh giành đường hay chen lấn. Người lái xe của chúng tôi tên là Ali cho biết, tất cả các lái xe đều tuân thủ tuyệt đối luật lệ giao thông. Đó không chỉ là ý thức mà còn là lòng tự trọng của người lái xe nói riêng, của mỗi người dân đất nước này nói chung.

Bỗng hiểu vì sao Malaysia lại hấp dẫn khách du lịch đến thế. Và chỉ một niềm day dứt, đến bao giờ du lịch đất nước ta trở thành một nền công nghiệp giải trí. Đến bao giờ?

Không có nhận xét nào: