Thứ Ba, 25 tháng 9, 2007

Trung thu

Cuối cùng rồi Trung Thu cũng đến. Với ánh trăng rằm, với nắng hanh hao, với bưởi, hồng, đèn ông sao và múa sư tử... Bạn ở phương nam hay phương bắc, ở thôn quê hay thành thị, có thể cảm nhận về Trung Thu rất khác nhau, ngọt ngào hạnh phúc, hay băn khoăn nuối tiếc. Nhưng Trung Thu vẫn cứ như một niềm vui lớn của trẻ thơ, của cả những ai đã qua thời thơ ấu, dẫu chưa trọn vẹn hay mỹ mãn, vẫn được con người đón đợi, háo hức, chờ mong.

Ngọt ngào thu

Trời xanh cao vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ, từng sợi thả xuống óng ánh. Hà Nội dịu dàng, hồi hộp đón mùa cốm mới. Đây đó thấp thoáng bóng áo nâu quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi chín hồng tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị, xưa xưa cổ tích…Trên những hàng cây loáng thoáng vài chiếc lá vàng… Mùa thu Hà Nội hanh hao đã đổi chỗ mùa hạ nồng nàn, cháy bỏng.

Tôi ở phương nam, một năm chỉ có hai mùa mưa, nắng. Nắng đổ xuống như chảo lửa cứ hừng hực như đốt cháy cả lòng người. Mưa thì như nghiêng trời lệch đất, nước cuồn cuộn trôi, trôi tuột mọi thứ, con người cũng muốn tan theo nước mà trôi đi.

Người phương nam là tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội, mà không phải lúc nào cũng có thể có - mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ nhất trong năm, mà phương Nam không bao giờ có được. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ bảng lảng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết, và cứ muốn say mãi.

Cốm Làng Vòng, hương vị thu Hà Nội, nét lạ đầy ấn tượng. Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm sợi rơm vàng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Hà Nội.

Ngay cả đến cách ăn, người Hà Nội cũng biến thành một nghệ thuật thưởng thức. Không phải xúc từng muỗng (thìa) lớn như ở phương nam khi ăn cốm dẹp trộn dừa, xúc hết muỗng này tới muỗng khác, ào ào một lúc là hết. Cốm Vòng đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt, bỏ vào miệng, nhẩn nha vị cốm dẻo, ngọt thơm, tan từ đầu lưỡi thấm vào… để cảm nhận hết hương vị trời đất, đồng quê, nắng gió...

Ở phương nam, mùa hạ là mùa hội tụ các loại cây trái. Ở Hà Nội, hình như mùa thu mới là lúc trái quả phô diễn hết sắc vị được tích tụ, chắt lọc. Hồng đỏ mọng môi ngọt lịm, na xanh biếc thanh tao, bưởi vàng ngọt mát the the đầu lưỡi, nhãn nâu ngọt đậm đà…

Đặc biệt là một thứ quả chỉ có ở Hà Nội - quả sấu. Vàng ươm, chua ngọt, một thứ quả không phải để bày biện cho đẹp cho sang, nhưng len lỏi khắp nơi trong đời sống, từ nhà hàng đặc sản đến bữa ăn nghèo đạm bạc bình dân, từ quí cô, quí bà đến các em bé bán báo dạo trên phố cũng đều ưa thích.

Những quả sấu chín vàng đựng đầy trong rổ hay chất một đống nhỏ trên mảnh nilon ở hè phố, ở góc chợ…, nhìn ngồ ngộ, quê mùa, xấu xí, nhưng sao hấp dẫn đến kỳ lạ. Tôi đã đứng thật lâu quan sát, thấy thứ quả bình thường mà có sức mê hoặc đến hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn. Thảo nào mà trong văn trong thơ viết về Hà Nội, nhiều người nhắc đến quả sấu như một nỗi nhớ, một mối tình vấn vương, một kỷ niệm ấu thơ rất riêng của Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

Mùa thu Hà Nội, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây, là hương quả đầy mời gọi, mà còn là nét quyến rũ đến ngọt say người phương nam từ những đêm trăng và hoa sữa. Đêm và hoa mùa thu Hà Nội đẹp lạ lắm. Đêm tĩnh lặng, nhẹ lâng lâng, trong veo. Những ồn ào, vất vả của ngày hình như ngủ theo mặt trời. Ánh trăng rằm phủ xuống vầng sáng mát lạnh, bóng hàng cây hoa sữa sẫm màu.

Đêm đẹp như mộng. Đêm sóng sánh, hoa sữa ngọt say thả mùi hương theo gió lan tỏa cả mặt hồ. Trăng, hoa lẫn vào sương giăng mỏng mờ, lãng đãng, bí ẩn. Bầu trời lấp lánh các vì sao như bức tranh cẩn vụn kim cương của nghệ sĩ thần tiên dành riêng ban tặng cho những ai thức cùng đêm. Tôi đã đi như thế, cảm nhận vẻ đẹp của đêm thu Hà Nội mãi đến khi sương tụ lại từng giọt đọng trên lá cỏ. Đâu đó, nhịp thở của một ngày mới sắp bắt đầu.

Mùa thu - món quà tặng của Hà Nội cho người phương nam như tôi, giống vị ngon, vị ngọt, hương say của môi hôn tình đầu.

Nỗi niềm mùa Trung Thu

Ở quê tôi, và rất nhiều miền quê khác nữa, Tết Trung Thu dành cho trẻ con bao giờ cũng sôi động, rộn rã. Thành thói quen từ lâu, ngoài việc chuẩn bị các thứ thiết yếu để cúng rằm như: thịt lợn, mâm ngũ quả, bánh nếp, bánh tẻ… bà tôi vẫn không quên mua cho tôi một cái trống nhỏ cùng với đèn ông sao, để khi ăn rằm xong, còn đi trông trăng cùng bạn bè trong xóm.

Trời sâm sẩm tối, cũng là lúc ông trăng bắt đầu chồi lên khỏi ngọn tre phía sân nhà. Lúc đầu trăng còn mờ mờ, rồi sau trăng tươi tắn, rực rỡ vô ngần. Rõ đến nỗi, đẹp đến nỗi có cảm giác nhìn thấy cả chú cuội ngồi dưới gốc cây đa.

Ngôi làng nhỏ của tôi, dù chưa có điện nhưng rực rỡ lên vì ánh sáng của muôn chiếc đèn lồng được kết từ những tờ giấy gói oản. Tiếng trống vang vang thúc giục cả lũ trẻ con chúng tôi vào cuộc. Giống như các bạn, chỉ cần nghe tiếng trống, tôi đã trực sẵn để nhập cuộc. Trước khi đi chơi, bà còn dúi vào tay tôi chiếc bánh rậm, đề phòng khi đói.

Tiếng trống vang đến đâu, y rằng lại có thêm mấy đứa trẻ ùa ra. Đám trẻ con chúng tôi như bầy chim nhỏ nô đùa, rước đèn dưới trăng.

Rước đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài, cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan...

Cứ thế chúng tôi hăng say hát hò, nhảy múa đến tận khuya mới phá cỗ, khi trăng bắt đầu mang thứ ánh sáng diệu kỳ sang xứ khác. Trong đám trẻ, có nhiều đứa buồn, vì ngày rằm tháng tám như trôi đi nhanh quá.

Theo thời gian, lũ trẻ chúng tôi lớn lên cùng đổi thay của đất nước, mỗi đứa một công việc, có đứa đi xa, nhiều đứa ở lại làng, có đứa thành đạt, có đứa còn dang dở… Nhưng kỷ niệm của những đêm Trung Thu vẫn còn nguyên vẹn.

Tết Trung Thu bây giờ - từ lúc nào không rõ, hình như cũng là “Tết” của người lớn. Đêm Trung Thu, nhiều nhà đổ ra đường, cùng với đám con cái ngắm trăng, "ngắm" Tết Trung Thu.

Có lần, giữa đám đông vui vẻ, bỗng một đứa trẻ ở đâu xen vào chìa cái mũ ra trước mọi người. Nhiều người xua tay ra hiệu đi chỗ khác. Nhưng cũng có một vài người bỏ vào cái mũ nhỏ ấy một chút tiền hoặc quà. Đứa trẻ lễ phép cúi người xuống cảm ơn. Tự nhiên tôi thấy xót xa. Giờ này, đáng ra em đang ngồi bên mâm cơm cùng gia đình vui đón Tết Trung Thu, hoặc cùng bạn bè đi phá cỗ. Giờ này em phải vui mừng với chiếc đèn ông sao trong bộ quần áo mới đón trăng.

Mà đâu chỉ riêng em, còn có nhiều cái bóng nhỏ nhoi, xiêu xiêu cúi mình chìa tay với hy vọng được chia sẻ. Nhưng đáp lại cái cử chỉ lễ phép ấy, cũng có nhiều cái phẩy tay xua đuổi, nạt nộ.

Đêm khuya, người đi chơi Trung Thu lại dòng dòng trở về tổ ấm. Những ngôi nhà đóng chặt cánh cửa hạnh phúc. Nhưng dưới những mái hiên sang trọng, hay trên những nhà chờ xe buýt, lẫn trong đám người lớn lang thang, những đứa trẻ không biết đến Tết Trung Thu vẫn còn nhiều lắm.

Ánh trăng rằm

Trung Thu năm nay đến gần hơn trong cái se lạnh rất thu của Hà Nội, dù rằng lá vàng trên góc phố chưa rơi nhiều, con đường tôi đi lại đưa đón đứa cháu ngoại đi học chưa ánh lên màu vàng rực của những chiều thu muộn. Hai ông cháu chậm rãi đi trên hè phố, tay trong tay.

Có lẽ những mùa thu trước đã mờ phai trong trí nhớ của cháu, nên cháu vẫn hỏi lại tôi những câu hỏi thơ ngây: “Trung Thu là gì hả ông?”, “ Làm thế nào để đón Trung Thu?”, “Trung Thu cháu có được đi chơi không?” … Không khó cho tôi khi kể cho cháu nghe về rằm Trung Thu, vì trong tôi còn đọng bao ký ức của những Trung Thu Hà Nội xưa. Nhưng khi nói về ánh trăng, ánh trăng rằm Trung Thu, thì thú thật tôi đã phải ngập ngừng…

Một cánh đồng tràn ngập ánh trăng vàng, một lối ngõ và hàng tre quấn quít sẽ rung lên trước cơn gió nhẹ, một đường phố nằm dài dưới ánh trăng dịu dàng, một làn trăng mỏng ùa vào qua cánh cửa mới mở … Trời ơi, tôi sẽ nói gì về ánh trăng cho cháu hiểu đây? Không có ánh trăng rằm thì làm gì có Tết Trung Thu.

Tìm ánh trăng nội đô Hà Nội ở đâu. Một điều bình thường thế không ngờ cũng thành câu hỏi. Ừ, lâu nay tôi cũng đã quên đi ánh trăng rằm, cũng như chả để ý đến trời Hà Nội hôm nào trong xanh hay có những dải mây trắng như bông. Vì thực ra, làm gì có lúc nào ngẩng đầu để mà ngắm trời. Đi trên đường, lo “làm chủ tốc độ”, về đến nhà, một ống sáng điện.

Một năm một lần, khi các con còn nhỏ, gia đình tôi thường đi ra biển, cũng được ngắm trời, và hoạ hoằn ngắm trăng. Các con lớn cả, chúng chả đi với bố mẹ nữa, thành ra những kỳ nghỉ hè được ngắm thiên nhiên phóng khoáng cũng không còn, nói gì đến ngắm trăng.

Tôi chợt giật mình, thì ra lâu nay có lẽ phần đông các cháu ở nội đô Hà Nội, toàn ngắm trăng rằm Trung Thu qua ti-vi và phá cỗ Trung Thu dưới ánh điện(!). Rằm Trung Thu ồn ào với đồ chơi Tàu. Cũng vẫn truyền thống xưa: đèn ông sao, múa sư tử, phá cỗ với ngồn ngộn các loại bánh Trung Thu. Nhưng hình như người ta quên mất cái chính tạo nên rằm Trung Thu – đó là ánh trăng.

Rằm này, tìm đâu ánh trăng cho cháu nhỉ. Phải lên cao, nhưng nhà mình làm gì có sân thượng. Nhìn qua cửa sổ, trăng có ở hướng này đâu. Hay ra đường cao tốc, xa quá! Hay ra Hồ Gươm, chắc chả chen được. Có lẽ ra Lăng Bác, ra hồ Tây, hồ Trúc Bạch, nghe nói đường quanh hồ đã xong, chắc ngắm được trăng. Nhưng còn ánh điện. Làm sao ánh trăng mịn màng toả xuống được khi ánh điện từ những đèn com-pắc hiện đại sáng bừng cả không gian? Ánh trăng mảnh mai như lụa, nó yếu lắm, bởi chắc nó đến từ những làng quê xa tít sau những rặng núi xa mờ phía chân trời …

Làm sao để cháu hứng được ánh trăng đầy lòng bàn tay - một ánh trăng thật, như ngày xưa ông từng ngỡ ngàng một cảm giác kỳ lạ của ánh trăng rằm mỗi độ thu về?

Không có nhận xét nào: