Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

90 tuổi kéo xe chở hàng nuôi vợ ốm





Trong ngôi nhà dột nát trên đường Hồ Đắc Di - TP Huế, có một ông già đã bước qua tuổi 90, hằng ngày vẫn phải đi kéo xe chở hàng thuê, nuôi người vợ bệnh nặng ở tuổi 83.

Nuôi cả gia đình bằng chiếc xe tải kéo

Ngày đó, khi vừa mới lập gia đình, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ Lựu - Đào chồng chất những khó khăn. Cưới nhau về sống trong một ngôi nhà phên đất, nghề ngỗng không có, nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ cóp nhặt toàn bộ số tiền làm quà cưới của họ hàng sắm một chiếc xe tải kéo để kiếm kế mưu sinh qua ngày khó.

Cuộc đời ông Phan Thế Lựu gắn với chiếc xe tải kéo từ lúc tuổi 20.

Cuộc sống của hai vợ chồng nhờ chiếc xe tải kéo mà dần ổn định hơn. Ngày chồng kéo xe, vợ đi theo phụ giúp. Người thuê kéo hàng thương cảnh đời của hai người đã ưu tiên để giành hàng thuê vợ chồng ông kéo.

Dần dần cuộc sống ổn định hơn, hai vợ chồng cũng đã bòn chắt một số tiền đủ để dựng lấy một ngôi nhà mái tôn để làm nơi sinh sống. Vừa dựng được nhà thì cũng là lúc bà Đào sinh nở đứa con đầu lòng, rồi 8 đứa con con lại cứ thế lần lượt chào đời trong cảnh gia đình ngày càng túng khó. Việc kéo xe thuê lo cái ăn cho 11 người đổ dồn vào một mình ông.


Khó khăn cứ mỗi ngày đè nặng gánh lên vai ông, vì mưu sinh đôi chân ông đi không biết mỏi. Đôi dép sờn cũ rách nát làm toé máu chân vì phải di chuyển mỗi ngày trên 30 cây số. Ông chỉ trở về khi đã kiếm đủ tiền đong gạo cho cả nhà vào ngày hôm sau.

Nhìn bọn trẻ lớn từng ngày khó khăn ông không ngại: “ 9 đứa con ngày một lớn, vợ chồng tui vui lắm, vì con thì chút sức đó đáng chi mô” - Ông tâm sự.

Những tưởng khi các con lớn khôn sẽ đỡ đần để vợ chồng ông được thảnh thơi tuổi già.Thế nhưng, khi trưởng thành, cả 9 người con lần lượt cưới vợ, lấy chồng ra dựng nhà ở riêng để lại 2 vợ chồng già sống trong ngôi nhà rách nát theo thời gian. “Tui cũng mong có đứa ở cùng để lúc ốm đau có người chăm sóc, nhưng mà tất cả đều lắc đầu từ chối” - Vợ ông Lựu kể.

Ông bà có đến 9 người con, thế mà chẳng có một người chịu ở với ông. Tất cả họ, thi thoảng mới ghé thăm. Họ sống chỉ biết lo cho gia đình mình mà không quan tâm đến những đến đấng sinh thành đang sống trong cô quạnh, thiếu thốn.

Cách đây 4 năm, vợ ông lăn ra ốm, ông phải chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Bệnh tình của bà Đào không hề thuyên giảm mà ngày một nặng thêm, bác sĩ lắc đầu không dám hứa với ông là bà Đào sẽ vượt qua cơn bạo bệnh. “Ngày vợ ăn được cháo, được cơm tui mừng vô kể. Đến bây giờ, không ngờ bà ấy vẫn ở bên tui” - Ông Lựu rơm rớm nước mắt.

Cũng từ đó, bệnh bại liệt khiến bà không đi đứng được nữa mà nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều do một tay ông cáng đáng.

"Không kéo thì lấy chi ăn"!

Vừa chăm vợ ốm, hằng ngày ông Lựu ngược xuôi cùng chiếc xe tải kéo đi kéo thuê hàng để kiếm tiền đi chợ, thuốc thang cho vợ. Mỗi sáng, ông phải thức dậy từ tờ mờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, lo bữa ăn sáng cho hai vợ chồng. Xong việc nhà là ông Lựu bắt đầu một ngày kéo xe chở hàng thuê.

Đã bước sang cái tuổi 90, bản thân ông đang bị bệnh thấp khớp hành hạ. Mỗi khi trở trời ông phải lê đôi chân đau buốt để kéo hàng. Những lúc đó, chiếc xe như nặng hơn mọi ngày, những đoạn dốc dường như bất lực, con đường bằng phẳng như khấp khểnh hơn. Nhưng không vì thế mà ông bỏ bất cứ một chuyến hàng nào, bởi trong ông luôn thường trực cảnh người vợ ốm đang đợi ông về với một ít tiền công.

Bất kể thứ hàng hoá gì, bất cứ chở đi đâu ông cũng đều vui vẻ nhận lời. Những hôm may mắn ông kiếm được vài chục ngàn tiền công. Ông dành một ít tiền đi chợ mua cho vợ một miếng thịt ngon, mua một vài viên thuốc giảm đau để sẵn trong nhà, khi vợ trở cơn đau còn có để uống. Lại cũng có khi cả ngày ông lang thang với chiếc xe kéo mà không một người thuê.

Cách đây 2 năm, phường An Cựu có hỗ trợ cho vợ chồng ông số tiền 65 ngàn mỗi người một tháng. Số tiền này, ông dành mua gạo cho cả 2 vợ chồng, chi tiêu lặt vặt trong nhà.

Bây giờ, sức ông không còn dẻo dai như trước, do vậy mà công việc nặng nhọc người ta cũng ít thuê đi. Những người thuê ông cũng không còn dám giao những món hàng nặng, họ sợ trong khi kéo hàng nhỡ ông gặp chuyện gì bất trắc thì lại mang hoạ vào thân.

Có những món hàng ông lường được sức mình còn đủ để kéo, người thuê vẫn cứ lắc đầu. Ông Lựu đã phải cam kết với khách: “Có chuyện chi tui chịu hoàn toàn trách nhiệm” người ta mới thuê ông.

Công việc nặng nhọc quá sức với một ông già đã ngoài 90 tuổi, nhưng mỗi khi trở về nhà ông lại tất bật lo chuyện bếp núc, chăm bón cho vợ từng miếng cơm, ngụm nước… kể cả thói quen têm trầu cho vợ ăn. “Cái tình nghĩa vợ chồng phải sống sao cho trọn chú à, vợ ốm liệt gường rứa thì càng không được bỏ bê” - Ông nói.

Kể đến đây, bà Đào, vợ ông đang nằm trên giường trở mình rên la vì bệnh tình hành hạ, ông lại tất bật chạy lại dỗ dành, mang thuốc, nước cho bà uống. Xong đâu đấy, ông Lựu ông khoác bộ áo quần sờn cũ chắp vá nhiều mảnh để bắt đầu một buổi làm việc mới.

Với ông bây giờ, còn sức vẫn phải kéo hàng thuê. Phải lo miếng cơm cho hai vợ chồng chạy chữa thuốc thang cho vợ. “Còn sức là vẫn còn làm việc, chỉ cầu răng cho vợ tui đỡ bệnh để sớm hôm vợ chồng già còn có tiếng cười”. Ông Lựu tâm sự.

Không có nhận xét nào: