Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2007

90 tuổi kéo xe chở hàng nuôi vợ ốm





Trong ngôi nhà dột nát trên đường Hồ Đắc Di - TP Huế, có một ông già đã bước qua tuổi 90, hằng ngày vẫn phải đi kéo xe chở hàng thuê, nuôi người vợ bệnh nặng ở tuổi 83.

Nuôi cả gia đình bằng chiếc xe tải kéo

Ngày đó, khi vừa mới lập gia đình, cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ Lựu - Đào chồng chất những khó khăn. Cưới nhau về sống trong một ngôi nhà phên đất, nghề ngỗng không có, nhiều đêm suy nghĩ, ông bàn với vợ cóp nhặt toàn bộ số tiền làm quà cưới của họ hàng sắm một chiếc xe tải kéo để kiếm kế mưu sinh qua ngày khó.

Cuộc đời ông Phan Thế Lựu gắn với chiếc xe tải kéo từ lúc tuổi 20.

Cuộc sống của hai vợ chồng nhờ chiếc xe tải kéo mà dần ổn định hơn. Ngày chồng kéo xe, vợ đi theo phụ giúp. Người thuê kéo hàng thương cảnh đời của hai người đã ưu tiên để giành hàng thuê vợ chồng ông kéo.

Dần dần cuộc sống ổn định hơn, hai vợ chồng cũng đã bòn chắt một số tiền đủ để dựng lấy một ngôi nhà mái tôn để làm nơi sinh sống. Vừa dựng được nhà thì cũng là lúc bà Đào sinh nở đứa con đầu lòng, rồi 8 đứa con con lại cứ thế lần lượt chào đời trong cảnh gia đình ngày càng túng khó. Việc kéo xe thuê lo cái ăn cho 11 người đổ dồn vào một mình ông.


Khó khăn cứ mỗi ngày đè nặng gánh lên vai ông, vì mưu sinh đôi chân ông đi không biết mỏi. Đôi dép sờn cũ rách nát làm toé máu chân vì phải di chuyển mỗi ngày trên 30 cây số. Ông chỉ trở về khi đã kiếm đủ tiền đong gạo cho cả nhà vào ngày hôm sau.

Nhìn bọn trẻ lớn từng ngày khó khăn ông không ngại: “ 9 đứa con ngày một lớn, vợ chồng tui vui lắm, vì con thì chút sức đó đáng chi mô” - Ông tâm sự.

Những tưởng khi các con lớn khôn sẽ đỡ đần để vợ chồng ông được thảnh thơi tuổi già.Thế nhưng, khi trưởng thành, cả 9 người con lần lượt cưới vợ, lấy chồng ra dựng nhà ở riêng để lại 2 vợ chồng già sống trong ngôi nhà rách nát theo thời gian. “Tui cũng mong có đứa ở cùng để lúc ốm đau có người chăm sóc, nhưng mà tất cả đều lắc đầu từ chối” - Vợ ông Lựu kể.

Ông bà có đến 9 người con, thế mà chẳng có một người chịu ở với ông. Tất cả họ, thi thoảng mới ghé thăm. Họ sống chỉ biết lo cho gia đình mình mà không quan tâm đến những đến đấng sinh thành đang sống trong cô quạnh, thiếu thốn.

Cách đây 4 năm, vợ ông lăn ra ốm, ông phải chạy vạy ngược xuôi kiếm tiền chữa bệnh cho vợ. Bệnh tình của bà Đào không hề thuyên giảm mà ngày một nặng thêm, bác sĩ lắc đầu không dám hứa với ông là bà Đào sẽ vượt qua cơn bạo bệnh. “Ngày vợ ăn được cháo, được cơm tui mừng vô kể. Đến bây giờ, không ngờ bà ấy vẫn ở bên tui” - Ông Lựu rơm rớm nước mắt.

Cũng từ đó, bệnh bại liệt khiến bà không đi đứng được nữa mà nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều do một tay ông cáng đáng.

"Không kéo thì lấy chi ăn"!

Vừa chăm vợ ốm, hằng ngày ông Lựu ngược xuôi cùng chiếc xe tải kéo đi kéo thuê hàng để kiếm tiền đi chợ, thuốc thang cho vợ. Mỗi sáng, ông phải thức dậy từ tờ mờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, lo bữa ăn sáng cho hai vợ chồng. Xong việc nhà là ông Lựu bắt đầu một ngày kéo xe chở hàng thuê.

Đã bước sang cái tuổi 90, bản thân ông đang bị bệnh thấp khớp hành hạ. Mỗi khi trở trời ông phải lê đôi chân đau buốt để kéo hàng. Những lúc đó, chiếc xe như nặng hơn mọi ngày, những đoạn dốc dường như bất lực, con đường bằng phẳng như khấp khểnh hơn. Nhưng không vì thế mà ông bỏ bất cứ một chuyến hàng nào, bởi trong ông luôn thường trực cảnh người vợ ốm đang đợi ông về với một ít tiền công.

Bất kể thứ hàng hoá gì, bất cứ chở đi đâu ông cũng đều vui vẻ nhận lời. Những hôm may mắn ông kiếm được vài chục ngàn tiền công. Ông dành một ít tiền đi chợ mua cho vợ một miếng thịt ngon, mua một vài viên thuốc giảm đau để sẵn trong nhà, khi vợ trở cơn đau còn có để uống. Lại cũng có khi cả ngày ông lang thang với chiếc xe kéo mà không một người thuê.

Cách đây 2 năm, phường An Cựu có hỗ trợ cho vợ chồng ông số tiền 65 ngàn mỗi người một tháng. Số tiền này, ông dành mua gạo cho cả 2 vợ chồng, chi tiêu lặt vặt trong nhà.

Bây giờ, sức ông không còn dẻo dai như trước, do vậy mà công việc nặng nhọc người ta cũng ít thuê đi. Những người thuê ông cũng không còn dám giao những món hàng nặng, họ sợ trong khi kéo hàng nhỡ ông gặp chuyện gì bất trắc thì lại mang hoạ vào thân.

Có những món hàng ông lường được sức mình còn đủ để kéo, người thuê vẫn cứ lắc đầu. Ông Lựu đã phải cam kết với khách: “Có chuyện chi tui chịu hoàn toàn trách nhiệm” người ta mới thuê ông.

Công việc nặng nhọc quá sức với một ông già đã ngoài 90 tuổi, nhưng mỗi khi trở về nhà ông lại tất bật lo chuyện bếp núc, chăm bón cho vợ từng miếng cơm, ngụm nước… kể cả thói quen têm trầu cho vợ ăn. “Cái tình nghĩa vợ chồng phải sống sao cho trọn chú à, vợ ốm liệt gường rứa thì càng không được bỏ bê” - Ông nói.

Kể đến đây, bà Đào, vợ ông đang nằm trên giường trở mình rên la vì bệnh tình hành hạ, ông lại tất bật chạy lại dỗ dành, mang thuốc, nước cho bà uống. Xong đâu đấy, ông Lựu ông khoác bộ áo quần sờn cũ chắp vá nhiều mảnh để bắt đầu một buổi làm việc mới.

Với ông bây giờ, còn sức vẫn phải kéo hàng thuê. Phải lo miếng cơm cho hai vợ chồng chạy chữa thuốc thang cho vợ. “Còn sức là vẫn còn làm việc, chỉ cầu răng cho vợ tui đỡ bệnh để sớm hôm vợ chồng già còn có tiếng cười”. Ông Lựu tâm sự.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2007

Những tấm ảnh ấn tượng nhất năm 2007

Cầu thủ Frederic Kanoute của Sevilla gục ngã trong trận đấu với Villarreal (ngày 20/1).Buổi trình diễn thời trang Xuân - Hè 2008 của thiên tài tạo mẫu người Pháp, Pierre Cardin tại Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (ngày 20/10).
Người Hồi giáo ở Ấn Độ cầu nguyện tại một nhà thờ ở Delhi (ngày 14/10).
Cánh tay đứt rời của một bác sĩ thú y nằm gọn trong miệng con cá sấu tại phía nam Đài Loan (ngày 11/4). Bác sĩ thú y này gặp nạn khi đang chữa trị vết thương cho cá sấu.
Wafaa Hussein, một bà mẹ người Iraq, tuyệt vọng gọi cậu con trai sáu tuổi đang hấp hối. Em bị dính đạn lạc trên xe buýt (ngày 16/9).
Máy bay phun nước xuống những cánh rừng đang bốc cháy. Phía đông nam châu Âu đã trải qua một mùa hè nóng kỷ lục (ngày 25/7).
Tương phản: một cậu bé đối mặt với một võ sĩ Sumo tại Hawaii (ngày 10/6).
Thủ đô Khartoum của Sudan bị bão cát tấn công (ngày 29/4).
Nhân viên cứu hộ cố gắng kéo một người đàn ông khỏi vũng bùn ở Chittagong, Bangladesh (ngày 12/6). Chittagong đã trải qua thảm họa lở đất.

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2007

Tại sao đeo nhẫn cưới ở ngón áp út?


Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út chưa? Người Trung Quốc có một cách giải thích rất thú vị và thuyết phục.

Theo họ, ngón tay cái tượng trưng cho cha mẹ, ngón tay trỏ tượng trưng cho anh em, ngón giữa là chính bạn, ngón áp út tượng trưng cho người bạn đời của bạn, và ngón út tượng trưng cho con cái của bạn.

Bây giờ bạn hãy để hai bàn tay đối diện nhau, gập ngón tay giữa lại và áp sát chúng vào nhau, đồng thời cho hai bàn tay mở ra nhưng các ngón tay còn lại chống vào nhau ở đầu mút ngón tay.

Bây giờ bạn hãy thử tách hai ngón tay cái, rồi sau đó ngón tay trỏ và ngón út rời nhau ra… (xem hình). Bạn sẽ thấy chúng tách nhau ra dễ dàng. Đó là bởi cha mẹ bạn không thể sống suốt đời với bạn. Anh em bạn cũng sẽ có gia đình riêng và sẽ rời xa bạn. Cuối cùng con cái bạn cũng vậy, chúng sẽ tạo dựng cuộc sống của riêng mình chứ không thể sống cùng bạn mãi mãi.

Thế còn ngón áp út thì sao? Bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi bạn không thể tách rời chúng ra khỏi nhau! Là vì bạn cùng người bạn đời được số phận mang đến với nhau để hòa quyện, gắn bó với nhau không thể tách rời suốt cả cuộc đời. Cho dù tất cả thế giới này bỏ hai bạn ra đi và cuộc sống của hai người có trải qua bao thăng trầm, ngọt đắng đến thế nào đi nữa.

Đó chính là lý do tại sao người ta lại đeo nhẫn cưới ở ngón áp út.

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

Ảnh cưới - demo version



Casting:
MyGau (Đầu gấu ngã 4 Sở) & Meohen

Photographers:
Tony Bùi (NC unit)
Trịnh Anh Tuấn
Đào Hữu Thắng

MyGau&Meohen Production
2007

Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2007

Tạ từ mùa thu

Có một phát hiện rất thú vị, không một mùa nào trong năm đem đến tràn đầy các cung bậc cảm xúc cho tâm hồn con người như mùa thu, qua những bài viết của cộng tác viên gửi cho Thư Hà Nội. Từ trẻ tới già, từ thiếu nữ còn ngồi trên ghế nhà trường đến bậc cao niên nhiều trải nghiệm. Thư Hà Nội xin được giới thiệu "một chùm" những cảm xúc như lời tạ từ mùa thu, khi gió se lạnh đầu đông đã về

Cuối thu...

Hà Nội đã bước vào những ngày tận thu...

Một buổi sớm đang nằm cuộn tròn trong tấm chăn mỏng, bỗng thức giấc vì một bài hát về Hà Nội: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…” phát ra từ chiếc đài của con bạn cùng phòng. Hé mở cửa sổ để nhìn ra sân kí túc, chợt xao xuyến vì một làn hơi lạnh chớm chạm da thịt. Những tán cây cổ kính xanh màu tinh khôi. Tiếng chim sẻ lích chích trên những cành thu. Hương hoa sữa đâu đó bất chợt ùa vào phòng dịu dàng. Tiếng chổi quét rác vang khô trên nền đất dường như chưa trở dậy.

Chợt thèm đến nao lòng nước chè xanh bà nấu vào mỗi buổi sớm mai. Chợt nuối tiếc một điều giản dị là chưa từng để ý xem mùa thu quê mình đẹp như thế nào…Chợt nhận ra rằng bình yên là một điều gì đó rất đỗi bâng quơ, giống như sớm thu ở kí túc này

Bất giác muốn đi tìm chút cuối thu Hà Nội theo câu hát của Trịnh Công Sơn: “…cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...”. Cùng đứa bạn long nhong xe buýt, chẳng định rõ nơi đến. Đường Láng xanh thẫm một màu xà cừ đặc trưng. Đường Láng, đường Bưởi mang trong nó nét tâm hồn rất riêng. Một sự giao hoà tinh tế của hơi thở trầm lắng những ngày xưa cũ và hơi thở gấp gáp của thời hiện đại.

Lang thang qua phố “cây cảnh” Hoàng Hoa Thám, hai đứa ghé vào vườn Bách Thảo. Sững sờ bởi hồ nước vương vất sương. Khói sương ướp ánh nắng mai màu bảng lảng. Liễu thướt tha, dừa mộc mạc, điệp trong sáng nghiêng mình trên nền nước nên thơ. Đẫm dần đầy không gian là màu vàng non tơ.

Buổi sáng trong trẻo hát khúc bình yên. Bình yên là được nhìn một ông cụ trên xe lăn, bên cạnh ghế đá bà cụ ngồi hàn huyên. Bình yên là được nghe tiếng cười nói trong veo của những bé nhóc đi chơi cùng bố mẹ trong công viên. Bình yên là bóng dáng cao lớn của người cháu trai đang đỡ người ông già yếu đi dạo quanh hồ. Bình yên là cảm nhận con tim mình rung lên nhịp khát khao về một tổ ấm riêng tư khi bắt gặp hình ảnh cô dâu e lệ đứng nép vào chú rể để chụp ảnh cưới.

Ừ nhỉ, thu cũng là mùa cưới đấy, mùa các đôi uyên ương thường chọn để bắt đầu xây tổ ấm của mình. Cười thầm, tự hỏi về một ngày ta cũng sẽ lộng lẫy như cô dâu kia, tin cậy trao tay mình cho một đôi tay khác. Ngẫm nghĩ mãi một câu nói rất thu của Xuân Diệu “Thu không phải là mùa sầu, ấy chính là mùa yêu. Mùa yêu nhau bằng linh hồn, mùa những linh hồn yêu mến nhau. Xuân người ta vì ấm mà cần tình, thu người ta vì lạnh sắp đến mà cần đôi”.

Đứa bạn khẽ khàng đặt những bước chân mình lên thảm hoa sữa xanh dịu rắc mong manh trên một vỉa hè không tên. Thích thú, nó nhoẻn miệng cười và hát khe khẽ: “Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ. Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Có chiếc lá vàng xoay nghiêng vào bàn tay của gió…

Hai đứa dừng chân uống nước tại hàng trà đá ven đường của một bà lão. Bà kể đã bán nước ở đây gần ba mươi năm rồi. Gần ba mươi năm, biết bao mùa thu đã qua quán hàng nhỏ này?

Cảm thức về thời gian dường như rõ ràng hơn theo tháng năm cuộc đời. Thu, ấy là khai trường, là Trung thu thơ bé. Thu, ấy là ửng hồng đôi má khi vô tình chạm phải một ánh nhìn ngọt ngào hơn nắng mai thủa đôi mươi. Thu, sẽ là gì khi ta sẽ trải qua ba mươi năm? Có lẽ chẳng còn buồn tự nhủ về một mùi hoa sữa sâu hơn…

Lại long nhong xe buýt, đong đưa mình theo một điệu nhạc trẻ trung trên đài phát thanh. Ngước nhìn qua cửa kính, thấy mấy chiếc xe đạp chở bán hoa và cây cảnh đang chạy nối đuôi nhau. Trông chúng như những khu vườn tí hon di động. Những người phụ nữ đang miệt mài đạp xe ấy, họ có bao giờ định nghĩa, hay nói đơn giản hơn, họ có thấy được thu đẹp mênh mang ngay trong lúc này đây? Cũng chẳng cần tự hỏi…Bởi mùa thu của bà, của mẹ ở dưới quê là những khoảnh ruộng vàng ươm màu lúa chín, là những liềm, những quang gánh, những xe thồ sớm khuya…

Hoa sữa và thu

Năm nào cũng vậy, mùa thu đến là hoa sữa toả hương, và đó là những giây phút làm người ta lắng lại một chút, thấy cuộc sống nhẹ nhàng thanh thản hơn một chút, thấy lòng mình chùng lại, dịu dàng, thấy yêu cuộc sống hơn một chút, và nhớ lại những khoảnh khắc đầy kỷ niệm.

Chẳng hiểu sao hoa sữa lại nở đúng mùa thu. Đã có lần bạn hỏi mình như vậy. Bạn không thấy sao, mùa hè nóng nực, nắng chói chang thế kia, hoa gì cũng rực rỡ thế kia, cuộc sống ồn ào thê kia làm gì có thời gian thư thái để mà ngửi hương hoa sữa. Mùa đông thì lạnh lắm, người đi đường vội về nhà cho khỏi lạnh, ai cũng muốn chui vào trong cái chăn ấm áp, làm sao mà ngửi mùi hoa sữa, mùa xuân thì mưa, cũng chẳng ai có thời gian mà để ý đến mùi hoa sữa, chỉ có mùa thu, trong không khí dịu mát, làm dịu đi cái sôi động của mùa hè người ta mới có những phút thư thái hít hà mùi hương hoa sữa.

Khi những bông hoa sữa đầu tiên gửi hương vào trong gió, là khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa, cái nắng không còn là cái nắng gay gắt, oi nồng của mùa hè xứ bắc, cũng không phải cái nắng rực rỡ của miền nam, mà là cái nắng vàng như mật ong, gió bắt đầu hiu hiu nhè nhẹ, những hàng liễu ven hồ xanh rờn rủ bóng thướt tha, từng cành lá mềm mại như mái tóc người thiếu nữ buông dài bay bay theo gió.

Mỗi sớm thức dậy đã nghe lạnh lạnh, cái lạnh của heo may sớm, đường khô hơn, trời mát mẻ hơn, từng đám lá vàng bay xào xạc trên đường phố. Bạn ra đường và thấy con gái bắt đầu thả mái tóc dài chạy xe trên phố. Và bạn có nhớ những phiên chợ hoa đêm vàng rực lên với những bông cúc vàng mùa thu?

Cuối thu đã về thật gần. Không gian Hà Nội đã chớm lạnh dù vẫn thoảng hương hoa sữa. Giờ này bạn đã xa mình lắm, nhưng mình tin chắc rằng bạn không thể quên mùa thu Hà Nội, không thể quên mùi hương hoa sữa ngan ngát, không quên những mái tóc dài chạy xe trên phố.

Bạn không quên, đúng không, mình tin chắc là như thế, vì mùa thu Hà Nội thật đẹp, thật dịu dàng và quyến rũ, mùi hương hoa sữa lại quá ngọt ngào… Mình vẫn mong nhất định một ngày bạn sẽ trở lại với mùa thu, với hương hoa sữa của Hà Nội, để mình đưa bạn đi lại những con đường hoa sữa ngày nào trong một tối mùa thu đầy heo may.

Cảm xúc thu…
Chiều, đứng trên sân thượng nhìn xuống chiếc hiên bé tí trước nhà. Dòng người xuôi ngược. Ai cũng hối hả để sớm trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả. Tự nhiên trong lòng trào lên một nỗi mênh mang khó tả.

Không biết tại điều gì đây? Hay tại đã cuối thu? Cuối thu, heo may mang theo chút se lạnh, chút hơi thở mùa đông. Những buổi tối mùa thu khoác chiếc áo mỏng, lòng vòng lượn phố để nghe âm thanh của phố đêm, để nghe hơi thở của thu, chợt thấy lòng mình nao nao.

Buổi chiều, nắng không còn gắt. Có chút gì đó lạnh lạnh, riêng biệt của cuối thu.

Những hạt cốm dẻo thơm, những cánh hoa cúc nở vàng ruộm như điểm tô thêm sắc màu cho phố phường. Những gánh hàng rong nhún nhảy trên phố tạo thành sắc phố lung linh, rồi cũng như thưa thớt hơn.

Chợt thấy nhớ nhà, nhớ quê da diết. Có chút gì trong khí trời làm nhớ đến vùng quê nghèo chiêm trũng của đồng bằng sông Hồng. Những buổi chiều quê, với tiếng sáo diều vi vút, với những ngày lang thang chạy dọc cánh đồng. Nhớ quê mình, làm em nhớ cả mùi khói, mùi ngòn ngọt thơm thơm quyện vào nhau của rơm rạ, của nắng mưa chắt chiu….Cái mùi đặc trưng của đồng quê rất dễ gây thương, gây nhớ cho những người con xa quê.

Đã qua bao mùa thu thay lá. Hoa sữa đã bao lần rụng mà em vẫn chưa được gặp anh. Em thèm một bàn tay ấm giữa đêm lạnh, nhớ một ánh mắt thân thương, một nụ cười trìu mến, bao dung. Cây hoa sữa trước thềm nhà đã bao lần trổ hoa, đã bao lần thay lá. Mùi thơm nồng nồng của nó làm em thao thức bao đêm nhớ anh… Giờ vẫn mùi hương ấy, vẫn những cánh hoa mỏng manh ấy. Đêm đêm vẫn thoảng hương làm nôn nao lòng người thiếu nữ tuổi đang yêu. Em lại thấy dậy lên trong lòng thứ cảm giác thật lạ. Một cảm xúc tràn về mênh mang nhớ…

Em vẫn thường thức dậy giữa đêm khuya, vẫn thường "lắng nghe" mùi hoa sữa, và vẫn thường nhắc đến tên anh…

Thu trong miên man nỗi nhớ. Thu trong hoài niệm xa xôi.

Cuối thu, gửi tới anh nơi phương xa chút se lạnh, chút nồng nàn của hoa sữa, và nồng nàn tình em…

Tản mạn thu

Vậy là trời đã cuối thu.

Vườn hoa trước nhà đã bao ngày nhú đầy những nụ cúc xanh non. Những nụ cúc nhỏ xíu luôn khiến tâm hồn ta xốn xang kỳ lạ. Người ta bảo hoa hồng đẹp, quyến rũ nhưng ít thủy chung. Ngày hoa nở đẹp rực rỡ, đài hoa cũng vươn mình tự hào khoe sắc. Khi cánh hoa úa tàn cũng là lúc đài hoa rũ bỏ, từng cánh nhỏ tả tơi, tan tác, mặc cho gió trời thả sức cuốn trôi.

Hoa cúc không quá đẹp, không quá đam mê, không quá rợn ngợp nhưng hoa cúc là sự bền bỉ, son sắt thủy chung. Những cánh hoa nhỏ xíu, trắng đến tinh khôi, không bao giờ xòe nở hết mình. Hoa nở càng đến độ, từng đầu cánh nhỏ càng co tròn lại, hướng về tâm hoa, căng đầy tròn trịa. Ngày hoa tàn, đài hoa như rắn rỏi, nâng đỡ những sợi cánh mỏng manh không còn sức sống. Cánh hoa càng khô héo, tàn úa, đài hoa càng gồng mình lên để nâng niu, gìn giữ, chỉ đến khi cả hai không còn sức sống, chúng cùng nhau tìm về đất mẹ.

Hoa cúc, hoa của đất trời, của đời người. Mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, cũng là mùa nao nao của hồn người. Khi đã trải qua những non nớt, mỏng manh, những sôi nổi rực cháy đam mê và khát vọng, mùa thu vừa cho người ta chiêm nghiệm, vừa cho người ta vững bước đi lên, đủ sức chống chọi với những rét mướt của mùa đông quạnh quẽ đã đang lẩn quất đâu đây…

Bọn trẻ tíu tít đến trường, xốn xang áo quần, khăn quàng, sách bút… Không giống bọn trẻ chúng tôi thuở trước, nhón chân sáo đến trường, đầu đội trời, chân đi đất, tay xách làn cói với vài cuốn vở mỏng tang. Tan trường về, áo quần, mặt mũi lem nhem mực, nhảy tùm xuống ao ngụp lặn chán chê. Da đứa nào đứa nấy bóng nhẫy, đen giòn.

Bọn trẻ bây giờ quần áo tinh khôi, khăn quàng đỏ chói, khệ nệ ba-lô, sách vở trĩu nặng hai vai. Thả cánh diều bay cao sợ vướng đường dây điện. Nhảy xuống sông trầm mình tắm mát sợ nước đục ngầu làm mẩn ngứa da non. Chạy dọc bờ đê hái hoa bắt bướm, chỉ thấy chang chang một màu trắng lóa của bê tông, cốt thép, không biết sông lở về đâu, sông bồi về đâu.

Lá bàng không xanh thêm nữa, quả bắt đầu chín rộ, bọn học trò tíu tít dưới gốc cây đập hạt bàng, nhặt nhân bàng thơm bùi, béo ngậy chia nhau. Những mối tình đầu nảy nở từ những sẻ chia nhỏ xíu nhỏ xiu ấy, để rồi mỗi lần cầm quả bàng chín vàng trên tay, đưa lên môi nhấm nháp, lại thấy đâu đây vị ngọt của nụ hôn đầu.

Hoa sữa cũng bắt đầu tách mình khỏi kẽ lá. Bất chợt một sớm nào thức dậy, thấy trời se se, đất se se, gió se se… hình như thu đã đi rồi…